• Tòa nhà N02-T2 Khu Đoàn ngoại giao, phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm Hà Nội, Việt Nam
  • Điện thoại(+84) 2439741771
  • Thứ 2 đến Thứ 6 07:30AM - 07:30PM

CTS Nghiên Cứu Phân Tích

Khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu PVS

Phòng NCPT & PTSP kính gửi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu PVS ngày 26/06/2023 như sau:

LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ

  • Mảng kinh doanh mũi nhọn của PVS – dịch vụ cơ khí dầu khí và công trình công nghiệp (EPC hay M&C) dự kiến bứt tốc khi dự án Lô B – Ô Môn có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và kết quả đấu thầu trong năm 2023, tiềm năng cung cấp khối lượng công việc ổn định cho mảng dịch vụ này. Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng doanh thu mảng này đạt 20% giai đoạn 2023-2025, tương đương doanh thu thuần đạt 11.000 tỷ đồng. Cụ thể, PVS đã nộp thầu và chúng tôi kỳ vọng PVS sẽ nhận thực hiện trao thầu trong năm 2023.
  • Doanh thu mảng dịch vụ cung cấp, quản lý, vận hành, khai thác tàu chứa FSO/FPSO dự kiến duy trì ổn định trong giai đoạn 2023-2027, do các tàu đều đã ký hợp đồng thuê dài hạn. Tuy doanh thu mảng này giảm nhẹ trong năm 2022 do đơn giá thuê tàu FPSO PTSC Lam Sơn giảm, nhưng tỷ lệ khai thác vẫn đạt 100%. Do vậy, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng của mảng này đạt 5%/năm, doanh thu trung bình năm đạt 2.300 tỷ đồng trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, các mảng dịch vụ khác của PVS vẫn duy trì hoạt động ổn định, tăng trưởng trung bình năm đạt 8%.
  • Chúng tôi đánh giá PVS có tiềm năng phát triển mảng EPCI trong nước thông qua các dự án xây dựng và lắp đặt điện gió ngoài khơi. Cụ thể, Quy Hoạch Điện VIII đẩy mạnh phát triển khoảng 6GW điện gió offshore tầm nhìn đến năm 2023. Trong năm 2023, PVS đã chủ trương phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi thông qua tích cực làm việc với nhiều đối tác, khách hàng tiềm năng (RENOVA, SARENS, Equinor, HDF Energy, etc.) để mở rộng đầu tư cũng như tìm kiếm giải pháp tài chính cho các dự án tái tạo ngoài khơi.

ĐỊNH GIÁ

  • Chúng tôi kết hợp 5 phương pháp định giá là P/E, P/B, EV/EBITDA, FCFF, và FCFE với trọng số tương đương nhau. Giá trị nội tại của cổ phiếu PVS được xác định ở mức 31.500 đồng/cổ phiếu.

Báo Cáo Chiến Lược Thị Trường Quý II/2023

Tổng quan báo cáo:

  • Nền kinh tế Việt Nam những ngày đầu năm 2023 đang phát đi những tín hiệu về nền tảng vĩ mô ổn định, tuy nhiên có thể chứng kiến nhiều những thách thức trong năm nay. Du lịch phục hồi khi du khách Trung Quốc vốn đóng góp khoảng 30% tổng lượt du khách đến Việt Nam dần quay lại.
  • Chúng tôi đánh giá lạm phát dự kiến giảm vào năm 2023 ở hầu hết các nền kinh tế nhưng rõ rệt nhất ở các nền kinh tế phát triển hơn là các quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi. Ở Việt Nam, lạm phát kỳ vọng sẽ đạt 4,5% trong năm 2023 giữa tâm điểm Chính Phủ thực hiện chính sách thúc đẩy nền kinh tế đồng thời gỡ rối cho thị trường bất động sản. Chúng tôi cũng không đặt dự báo ngoài khả năng lãi suất điều hành có thể sẽ duy trì mặt bằng giảm 0,5% trong năm nay.
  • Về thị trường chứng khoán, trong Quý I/2023, VN-Index ghi nhận lực tăng từ đáy 1.007 điểm lên mức điểm cao nhất 1.120, sau đó đi vào biên độ tích lũy từ 1.115 – 1.100 điểm. Chúng tôi dự báo dựa trên kịch bản cơ sở chỉ số VN-Index ổn định và tạo đáy dài hạn tại ngưỡng hỗ trợ 870 điểm, có thể hồi phục lên vùng 1.050 – 1.055 điểm (tương đương với mức hồi phục 20,8%).
  • Chúng tôi lựa chọn các ngành phòng thủ (điện và năng lượng) và ngành đầu tư công làm trọng điểm trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều những rủi ro. Ngoài ra, chúng tôi cũng lựa chọn những cổ phiếu có nội lực tốt về hoạt động kinh doanh sản xuất và có khả năng chống chọi được những biến động bất ngờ của thị trường để nắm giữ năm 2023.

Khuyến nghị MUA cổ phiếu NT2

Phòng NCPT & PTSP kính gửi khuyến nghị MUA cổ phiếu NT2 ngày 24/04/2023 như sau:

LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ

  • Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh của NT2 năm 2023 tăng trưởng tích cực nhờ điều kiện El Nino thuận lợi. Điều kiện thời tiết La Nina suy yếu khiến cho các doanh nghiệp nhiệt điện được hưởng lợi khi sản lượng điện theo hợp đồng tăng (Qc) được EVN giao tăng thêm. Chúng tôi ước tính sản lượng điện sản xuất của NT2 sẽ đạt 4.268 triệu kwh, theo đó, dự phóng doanh thu và lợi nhuận của NT2 năm 2023 lần lượt đạt 9.965 tỷ đồng và 1.072 tỷ đồng, tăng 12% và 10% so với cùng kỳ năm trước.
  • NT2 được hưởng lợi từ dự báo thiếu hụt điện của Việt Nam từ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đạt 8,5%/năm, tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng. Dự báo sản lượng điện thiếu hụt trên toàn hệ thống sẽ vào khoảng 13,3 tỷ kWh trong năm 2023 và 27,7 tỷ kwh đến năm 2025.
  • Sức khỏe tài chính tốt giúp NT2 duy trì tăng trưởng dòng tiền dương, chi phi lãi vay thấp, tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt hai chữ số.
    • Chủ yếu nợ của NT2 là nợ ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động. Do vậy, NT2 không chịu áp lực nợ vay tài chính.
    • Ngoài ra, chi phí đầu tư tài sản cố định ban đầu đã được trả gần hết nên dòng tiền tích lũy tăng.
    • Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt hai chữ số là động lực thúc đẩy giá cổ phiếu tăng trong dài hạn.
    • Dự kiến năm 2023, NT2 sẽ được hoàn nhập khoản trích lập dự phòng 239 tỷ đồng của Quý 4/2022 do giá vận chuyển khí (khoảng 0,5 USD/mbtu) chưa được tính vào vào giá bán điện của NT2.

ĐỊNH GIÁ

  • Chúng tôi kết hợp 5 phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền DCF bao gồm FCFF, và FCFE; và phương pháp so sánh chỉ số PE, PB, và EV/EBITDA với trọng số tương đương nhau. Giá trị cổ phiếu NT2 được xác định ở mức 40.900 đồng/cổ phần.

Khuyến nghị MUA cổ phiếu POW

Phòng NCPT & PTSP kính gửi khuyến nghị MUA cổ phiếu POW ngày 11/04/2023 như sau:

LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ

  • Chúng tôi dự báo sản lượng điện năm 2023 phục hồi mạnh mẽ, đạt 18 tỷ kwh, tăng 21% so với năm 2022. Trong năm 2022, tổ máy số 1 thuộc nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố kỹ thuật và phải tạm dừng hoạt động để trùng tu. Kể từ tháng 3/2023, nhà máy này đã hoạt động trở lại bình thường. Ngoài ra, sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khu công nghiệp hậu COVID phần nào thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện.
  • Động lực tăng trưởng kinh doanh của POW mở rộng khi các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện đi vào phát điện thương mại. Trong trung và dài hạn, dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4, Miền Trung 1&2, LNG Cà Mau 3, và LNG Quảng Ninh với tổng công suất 6.000 MW tiềm năng gấp đôi doanh thu hiện tại.
  • POW được hưởng lợi từ dự báo thiếu hụt điện của Việt Nam từ năm 2023, và điều kiện El Nino mạnh lên. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đạt 8,5%/năm, tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng. Dự báo sản lượng điện thiếu hụt trên toàn hệ thống sẽ vào khoảng 13,3 tỷ kWh trong năm 2023 và 27,7 tỷ kwh đến năm 2025. Ngoài ra, điều kiện thời tiết La Nina suy yếu khiến cho các doanh nghiệp nhiệt điện được hưởng lợi khi sản lượng điện theo hợp đồng tăng (Qc) được EVN giao tăng thêm.
  • Sức khỏe tài chính tốt giúp POW duy trì tăng trưởng dòng tiền dương trong trung và dài hạn. Nguồn lực tài chính được củng cố khi nợ vay dài hạn tiếp tục giảm, vốn chủ sở hữu tăng, chiếm 58,5% tổng nguồn vốn, và dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh đạt 3.156 tỷ đồng.
  • Chúng tôi dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn của POW. Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự báo lần lượt đạt 32.113 tỷ đồng và 3.374 tỷ đồng, bằng 121% và 132% của năm 2022. Thu nhập m cổ phần đạt 1.186 đồng/cổ phần.

ĐỊNH GIÁ

  • Chúng tôi kết hợp 5 phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền DCF bao gồm FCFF, và FCFE; và phương pháp so sánh chỉ số PE, PB, và EV/EBITDA với trọng số tương đương nhau. Giá trị cổ phiếu POW được xác định ở mức 19.600 đồng/cổ phần.

BÁO CÁO VĨ MÔ – NĂM 2023

Tiêu điểm dự báo của CTS:

Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,8% trong năm 2023 dựa trên kịch bản cơ sở thiên về tích cực.

Chúng tôi kỳ vọng lạm phát đạt 4,5%, tỷ giá dao động quanh 24.000-24.500, lãi suất tái chiết khấu duy trì 4,5%, tốc độ tăng trưởng vốn FDI đăng ký mới trên 15%, tăng trưởng tín dụng có thể đạt từ 15% trở lên, và giải ngân vốn đầu tư công khả năng cao đạt kế hoạch 80-85% kế hoạch của Chính Phủ đề ra tính đến hết năm 2023.

CTS DỰ BÁO NĂM 2023ĐƠN VỊTÍCH CỰCTIÊU CỰC
Chỉ số giá tiêu dùng CPI% yoy4,5%> 4,5%
Tỷ giá USD/VNDVNĐ24.000 – 24.500> 24.500
Lãi suất tái chiết khấu% yoy4,5%> 4,5%
Tăng trưởng tín dụng% yoy≥ 15%< 15%
Tăn trưởng vốn FDI đăng ký mới% ytd15 %< 15%
Giải ngân đầu công% ytd80 – 85%< 80%
TĂNG TRƯỞNG GDP% yoy6,8%< 6,8%

Chi tiết xin vui lòng, đọc trong file đính kèm dưới đây.

BÁO CÁO VĨ MÔ – 11 THÁNG NĂM 2022

Tiêu điểm dự báo của CTS:

• Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 7,5% trong năm 2022 dựa trên kịch bản tích cực.
• Chúng tôi duy trì kỳ vọng trong năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng CPI đạt 4-4,5%, báo lãi suất tái cấp vốn đạt 6%, tỷ giá trung tâm dao động quanh 23.400-24.400, tăng trưởng vốn FDI đăng ký mới trên 9%, tăng trưởng tín dụng có thể đạt trên 14%.Tính đến ngày ra báo cáo, các chỉ sổ này đang vận hành theo đúng dự báo của chúng tôi.
• Chúng tôi điều chỉnh dự báo tiêu cực giải ngân vốn đầu tư công khả năng cao khó đạt kế hoạch 80-85%.

CTS DỰ BÁO NĂM 2022ĐƠN VỊTÍCH CỰCTIÊU CỰC
Chỉ số giá tiêu dùng CPI% yoy4 – 4,5%4,8%
Tỷ giá USD/VNDVNĐ23.400 – 24.400> 24.400
Lãi suất tái cấp vốn% yoy5% – 6%7%
Tăng trưởng tín dụng% yoy> 14%14%
Tăn trưởng vốn FDI đăng ký mới% ytd> 9%< 9%
Giải ngân đầu công% ytd80 – 85%< 80%
TĂNG TRƯỞNG GDP% YOY7,5%< 7,5%

Chi tiết xin vui lòng, đọc trong file đính kèm dưới đây.

BÁO CÁO NGÀNH NGÂN HÀNG – QUÝ 3/2022

  1. Chúng tôi dự báo NIM có thể sẽ thu hẹp khoảng -1% so với trung bình năm 2021 khi lãi suất huy động tăng cao khoảng 8-9%/năm như hiện nay.
  2. Chúng tôi dự báo THEO DÕI với ngành ngân hàng khi những rủi ro về an toàn vốn, nợ xấu tăng, chất lượng tài sản giảm do tình hình bất động sản khó khăn về thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục vẫn hiện hữu.
  3. Chúng tôi khuyến nghị MUA và NẮM GIỮ trong dài hạn với các mã ngân hàng MBB, VIB, STB, ACB – Các NHTM này đều có lợi nhuận tăng trưởng ổn định, chất lượng tài sản tốt, có khả năng chống chọi với những biến động bất ổn từ thị trường.

Thông tin chi tiết xin mọi người đọc file đính kèm.

BÁO CÁO VĨ MÔ – 10 THÁNG NĂM 2022

Tiêu điểm dự báo của CTS:

• Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,5% trong năm 2022 dựa trên kịch bản tích cực.
• Chúng tôi duy trì kỳ vọng trong năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng CPI đạt 4-4,5%, tỷ giá USD/VND dao động quanh 23.400-24.400, lãi suất tái chiết khấu đạt tăng 3,5-4,5%, tăng trưởng vốn FDI đăng ký mới trên 9%, tăng trưởng tín dụng có thể đạt trên 14%
, và giải ngân vốn đầu tư công khả năng cao đạt kế hoạch 80-85%. Tính đến ngày ra báo cáo, các chỉ sổ này đang vận hành theo đúng dự báo của chúng tôi.

CTS DỰ BÁO NĂM 2022ĐƠN VỊTÍCH CỰCTIÊU CỰC
Chỉ số giá tiêu dùng CPI% yoy4 – 4,5%4,8%
Tỷ giá USD/VNDVNĐ23.400 – 24.400> 24.400
Lãi suất tái chiết khấu% yoy5% – 6%> 4,5%
Tăng trưởng tín dụng% yoy> 14%14%
Tăn trưởng vốn FDI đăng ký mới% ytd> 9%< 9%
Giải ngân đầu công% ytd80 – 85%< 80%
TĂNG TRƯỞNG GDP% YOY7,5%< 7,5%

Chi tiết xin vui lòng, đọc trong file đính kèm dưới đây.

Bản tin phái sinh 01.11.2022

Tóm tắt chiến lược giao dịch:

  • Chiến lược giao dịch ngắn hạn: Thị trường hôm nay tăng đi kèm cùng với biên độ giao dịch hấp dẫn. Chúng tôi khuyến nghị quý nhà đầu tư xem xét giao dịch trong phiên. Phiên hôm nay tăng đưa chỉ số VN30 từ 1.026,84 lên 1.038,09. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc mở vị thế Long, chốt lời ở ngưỡng 1.065 và cắt lỗ ở ngưỡng 1000.
  • Chiến lược giao dịch trong phiên: Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để mở vị thế Long với mức dừng lỗ là 4 điểm và mức chốt lời là 7 điểm.

BÁO CÁO NGÀNH ĐIỆN – QUÝ 3/2022

Tổng sản lượng điện toàn cầu tăng 6,2% vào năm 2021 – tương tự như mức tăng mạnh trở lại vào năm 2010 hậu khủng hoảng tài chính (6,4%). Chúng tôi dự báo nhu cầu điện tiêu thụ cho tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đạt ở mức cao. Trong vòng 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đạt 8,5%/năm, tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng.

Chúng tôi dự báo sản lượng điện thiếu hụt trên toàn hệ thống sẽ vào khoảng 13,3 tỷ kWh trong năm 2023 và 27,7 tỷ kWh đến năm 2025. Do vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khí LNG và tăng phụ tải nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp phát triển kinh tế.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng những tín hiệu khởi sắc từ các dự án điện năng lượng tái tạo trong khi Chính Phủ Việt Nam tập trung đẩy mạnh chiến lược phát triển năng lượng sạch, giảm thiểu khí thải carbon. Tuy nhiên, chúng tôi cùng không đặt kỳ vọng khả quan với sản lượng điện năng lượng tái tạo sẽ đạt được mục tiêu đề ra như trong Dự thảo Quy Hoạch Điện VIII do những khó khăn trong việc triển khai dự án. Thay vào đó, thủy điện và nhiệt điện vẫn là nòng cốt đóng góp vào lưới điện quốc gia giai đoạn 2023 – 2025. Sau đó, nguồn điện năng lượng tái tạo có thể sẽ dần thay thế nguồn điện truyền thống này

Thông tin chi tiết xin mọi người đọc file đính kèm.